Cuối tuần này, F1 GP sẽ lần đầu tiên trở lại Mỹ sau 5 năm vắng bóng. Thế nhưng trước đó, Mỹ đã là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các cuộc đua ô tô kể từ năm 1908.
Watkins Glen, Indianapolis hay thậm chí bãi đỗ xe của sòng bạc Caesars Palace ở Las Vegas - đó là một số trong những địa điểm đã từng tổ chức một chặng GP tại Mỹ trong những năm qua. Trong thực tế, vào cuối tuần này, đường đua hoàn toàn mới của Circuit of The Americas (COTA) ở Austin, Texas sẽ trở thành địa điểm thứ mười.
Watkins Glen
F1 đã gắn bó với nước Mỹ bắt đầu từ Indianapolis Motor Speedway - khi đó còn được gọi là Brickyard - từ năm 1909. Cuộc đua Indianapolis 500 đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1911 trên một đường đua được ghép từ hơn 3.000.000 viên gạch, vì thế nó mới có biệt danh là Brickyard.
Điều kỳ lạ là Indy 500 đã có mặt trên lịch F1 trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nó hầu như không được các đội đua và tay đua trên thế giới biết tới và do đó họ chẳng mấy khi đến đây. Tương tự, các đội đua Indy của Mỹ cũng hầu như không bao giờ cạnh tranh trong bất kỳ chặng nào khác của giải. Thế nhưng, trong khoảng thời gian đó, chỉ một lần Indy 500 không chính thức có tên trên lịch thi đấu.
Cũng trong giai đoạn đó, Mỹ đã chính thức có chặng đua F1 thực thụ tại đường đua Sebring ở sân bay Florida năm 1959, với Bruce McLaren là người chiến thắng đầu tiên và trở thành tay đua trẻ nhất lịch sử từng giành chiến thắng khi ở tuổi 22 - một kỷ lục tồn tại rất lâu cho đến khi Fernando Alonso phá vỡ vào năm 2003.
Cuộc đua US GP đã có một lần chuyển đến đường đua Riverside ở California vào năm 1960, nơi huyền thoại Stirling Moss đã giành chiến thắng, trước khi trở về “quê hương” của nó là Watkins Glen cho đến năm 1980 lại chuyển sang Watkins Glen ở ngoại ô New York. Năm đó, Innes Ireland giành chiến thắng cho Lotus, để rồi trong suốt 6 năm sau đấy, Damon Hill và Clark mỗi người giành 3 chiến thắng cho BRM và Lotus.
Watkins Glen sau đó đã được mở rộng cho cuộc đua năm 1971. Năm đó, Francois Cevert của Tyrrell đã vượt qua đồng đội Stewart để giành được chiến thắng duy nhất trong sự nghiệp. Thế nhưng, bi kịch xảy ra 2 năm sau đó, khi chính đường đua này đã lấy đi mạng sống của tay đua người Pháp. Sau chặng đua năm 1980, F1 được đưa ra khỏi Watkins Glen.
Long Beach và Las Vegas
Đến thời điểm này, đã có chặng US GP thứ hai trên lịch, US GP West, còn được gọi là Long Beach GP từ năm 1976, với chiến thắng đầu tiên trên đường phố California thuộc về Clay Regazzoni của Ferrari. Sau đó, vào năm 1977, Mario Andretti đã làm nên lịch sử khi trở thành tay đua đầu tiên và duy nhất người Mỹ giành chiến thắng một chặng đua F1 trên sân nhà.
Các bức tường chạy dọc theo đường đua Long Beach khiến cho tai nạn luôn rình rập. Ngay trong năm 1980, Regazzoni đã bị gãy lưng và phải chấm dứt sự nghiệp F1. Tuy nhiên, chặng đua vẫn được tổ chức cho đến năm 1983, trước khi chuyển sang Indy Car.
Lúc này, một chặng đua khác tại Mỹ xuất hiện trên lịch F1 với một địa điểm hết sức bất thường: bãi đậu xe tại sòng bạc Caesars Palace ở Las Vegas. Cuộc đua đầu tiên tại đây được gọi là Caesars Palace GP, đã trở thành cuộc đua quyết định danh hiệu của năm đó khi Nelson Piquet (cha) cán đích ở vị trí thứ 5, vừa đủ để lên ngôi.
Năm 1982, cả hai danh hiệu đều đã được quyết định ở Las Vegas, trong chặng đua thứ hai và cũng là cuối cùng của đường đua này. Keke Rosberg (cha của Nico Rosberg) đang dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng đã đánh mất danh hiệu vào tay của John Watson. Ferrari trở thành nhà vô địch đội đua.
Đáng ngạc nhiên, chặng đua cuối cùng ở Las Vegas chỉ là một trong 4 chặng đua ở Bắc Mỹ năm 1982, cùng với Long Beach, cuộc đua Canada và một đường đua mới của Mỹ ở Detroit, “quê hương” truyền thống của ngành công nghiệp xe ô tô Mỹ. Chặng đua ở Detroit - một đường đua trên phố - là một thành công, và được tổ chức trong 7 năm.
Năm 1984 chứng kiến thêm một đường đua Mỹ trên lịch trình - Dallas, Texas. Tuy nhiên, đường đua này đã thất bại do điều kiện thời tiết quá nóng khiến chiếc xe không hoạt động được như dự kiến, còn các tay đua liên tục gây tai nạn.
Rốt cuộc, F1 tại Mỹ đã “tái định cư” tại một đường đua duy nhất vào năm 1989. Với việc Long Beach, Las Vegas, Dallas và Detroit bị loại bỏ, một đường đua trên phố ở Phoenix đã giành được quyền đăng cai.
Huyền thoại Ayrton Senna đã biến Phoenix thành sân nhà, khi thắng 2 trong tổng số 3 chặng đua tại đây, trong khi Alain Prost chiến thắng ở chặng đầu tiên. Phoenix chấm dứt đăng cai vào năm 1990.
Indianapolis
Sau đó, F1 vắng mặt tại Mỹ trong 10 năm, cho đến khi Indianapolis giành quyền đăng cai vào năm 2000, đúng 50 năm kể từ lần đầu tiên cuộc đua Indy 500 có mặt trên lịch. Trước một đám đông 250.000 người hâm mộ, Michael Schumacher là người chiến thắng đầu tiên trên đường đua hoàn toàn mới này.
Cuộc đua năm 2001 đã bị lu mờ bởi cuộc khủng bố 11/9. Cuộc đua năm 2002 rất đáng nhớ vì một sự kiện hiếm có. Ferrari thống trị đường đua, nhưng khi Schumacher sắp cán đích và nới lỏng chân ga, Rubens Barrichello đã chiến thắng ngoài dự kiến, với thời gian chênh lệch khoảng 0,01 giây.
Schumacher và Ferrari cũng đã thống trị các cuộc đua US GP tại Indianapolis, chiến thắng 5 trong số 8 chặng đua tổ chức ở đó đến năm 2007, bao gồm cả sự kiện năm 2005 khét tiếng, khi chỉ có 6 chiếc xe cạnh tranh sau khi cả 7 đội đua sử dụng lốp Michelin tuyên bố rút lui vì lý do an toàn.
Bây giờ, năm 2012, F1 lại trở về Mỹ một lần nữa sau nửa thập kỷ. Lần này, nó có vẻ như đã tìm thấy một ngôi nhà bền vững, bởi đường đua COTA được xây dựng chỉ với mục đích duy nhất: đua F1. Và như đại sứ của COTA, nhà vô địch F1 GP 1979 Mario Andretti đã nói, nó rõ ràng sẽ là một địa điểm phi thường.
Đăng nhận xét