Không phải mê tín, cũng chẳng hề tâm linh, đơn giản đó chỉ là những sự kiện trùng hợp lạ lùng đến… sởn gai ốc, thường được gắn cái mác “lời nguyền” cho kêu. Nhưng chính những lời nguyền ấy có thể sẽ là một phần của EURO 2012.
Thế giới luôn tồn tại rất nhiều những câu chuyện trùng hợp kỳ lạ mà không ai giải thích nổi. Khi đó, yếu tố “lời nguyền” được nhắc tới như một sự giải tỏa cho nỗi tò mò không được giải đáp. Bức tranh “Cậu bé khóc” của danh họa Bruno Amadio người Tây Ban Nha rất đơn giản, chỉ là hình cậu bé với khuôn mặt ủ rũ, phảng phất nỗi buồn. Điều khó hiểu là bất cứ ai sở hữu bức tranh này đều rơi vào cảnh hỏa hoạn. Mọi thứ trong nhà đều cháy rụi, ngoại trừ bức tranh “Cậu bé khóc”.
Nghệ nhân điêu khắc gỗ Louis Alvarez đã chế tác một chiếc gương được coi là tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ vào năm 1743. Nó quá đẹp đến mức, ai cũng muốn sở hữu bất chấp một lời nguyền độc địa. Chiếc gương đã gieo rắc cái chết cho chính chủ nhân của nó cùng 37 người trong vòng hơn 100 năm. Nguyên nhân của 38 cái chết kia chỉ có một: Chứng tràn máu não!
Bóng đá cũng như cuộc sống, nó có những sự trùng hợp rất khó giải thích. Và người ta cũng mượn từ “lời nguyền” để bào chữa cho việc không thể tìm ra câu trả lời. Trước khi ĐT Pháp vô địch EURO 2000, suốt 40 năm, không đội tuyển nào có thể vô địch thế giới mà sau đó vô địch châu Âu. Trước năm 2008, ĐT Đức cũng mới phá bỏ được lời nguyền 48 năm không có đội tuyển đoạt hạng Ba World Cup rồi giành quyền lọt vào VCK EURO 2 năm sau đó. Nhưng vẫn chưa hết, vẫn còn nhiều lời nguyền nữa mà EURO chưa phá bỏ được. Nếu sắp xếp tất cả những sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử EURO, ta có thể hình dung ra kết cục của EURO năm nay như sau:
Đầu tiên, hãy loại ĐT Tây Ban Nha khỏi cuộc chiến bởi suốt 52 năm qua với 13 kỳ EURO, chưa có đội ĐKVĐ nào bảo vệ được ngai vàng. Từ năm 1984 đến nay, đã qua 7 kỳ EURO, nhưng chỉ 2 đội ĐKVĐ vượt qua vòng bảng là Hà Lan (vô địch năm 1988; vào bán kết năm 1992) và Pháp (vô địch năm 2000; bị loại ở tứ kết năm 2004). 5 nhà ĐKVĐ còn lại đều về nước từ vòng bảng gồm: Pháp năm 1988 (không qua vòng loại); Hà Lan 1992; Đan Mạch 1996; Đức 2000; Hy Lạp 2008. Như thế, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng Tây Ban Nha bị loại từ vòng bảng EURO 2012.
Điều trùng hợp nữa là EURO đã có hai kỳ tổ chức vào các năm “lẻ 2” (1972, 1992). Cả hai giải đó châu Âu đều chứng kiến nhà vua mới: 1972 là Đức; 1992 là Đan Mạch. Năm 2012 này sẽ là một tân vương? Tiêu chí này sẽ gọi tên khá nhiều đội tuyển trong đó có thể là Anh, Ireland, Ukraine, Ba Lan, BĐN, Thụy Điển, Croatia… Kết hợp với yếu tố Tây Ban Nha bị loại từ vòng bảng, ta có thể được một kết quả: Italia và Ireland sẽ dẫn đầu bảng C.
Thế nhưng tiêu chí “xét đội vô địch về năm” còn phải thêm vào một chi tiết nữa. Ngoại trừ kỳ EURO đầu tiên năm 1960 chẳng có quy luật nào để đối chiếu, từ năm 1964, cứ sau 8 năm EURO sẽ chứng kiến một đội lần đầu vô địch hoặc ĐT Đức sẽ đăng quang. Là đội bóng giàu truyền thống nhất châu Âu với 3 lần vô địch, ĐT Đức cũng đã nhiều lần nữa lọt vào trận chung kết. Với tiêu chí này, Đức sẽ có suất ở trận chung kết EURO 2012.
Trong 4 kỳ EURO vừa qua (có 16 đội chia làm 4 bảng), trận chung kết diễn ra giữa các đội sau: EURO 1996 - hai đội bảng C (Đức thắng Czech); 2000 - bảng D và bảng B (Pháp thắng Italia); 2004 - hai đội bảng A (Hy Lạp thắng BĐN); 2008 - lại bảng D và B (TBN thắng Đức). Năm nay nếu lịch sử tái diễn, trận chung kết có thể sẽ là cuộc so tài của hai đội bảng B hoặc hai đại diện bảng D.
Như vậy, nếu những lời nguyền vẫn tiếp tục ứng nghiệm, ta sẽ tìm ra một đáp án: Trận chung kết EURO 2012 diễn ra giữa Đức và BĐN. Nó thỏa mãn mọi yếu tố: ĐKVĐ bị loại, chung kết giữa 2 đội tuyển cùng bảng theo quy luật xen kẽ, ĐT Đức hoặc đội chưa bao giờ vô địch sẽ đăng quang vào năm “lẻ 2”!
NHỮNG “SỰ KIỆN LẠ” Ở EURO
Tỷ số các trận chung kết trong 4 kỳ EURO vừa qua đều có cách biệt 1 bàn. 3 kỳ EURO trước đó, trận chung kết đều có tỷ số 2-0.
Trong lịch sử, chỉ có một trận chung kết EURO xuất hiện tỷ số cách biệt hơn 2 bàn (Đức thắng Liên Xô 3-0 năm 1972).
Trong lịch sử các kỳ EURO, chỉ có một đội thua ở bán kết năm trước lên ngôi vô địch ở giải tiếp theo. Đó là ĐT Pháp: thua Czech ở bán kết EURO 1996 và vô địch năm 2000.
Các trận chung kết EURO từ năm 1980 đến nay, chỉ có 4 bàn thắng được ghi trong hiệp 1. Và cả bốn đội tuyển ghi bàn ở hiệp đầu trận chung kết đều đăng quang gồm: Đức (1980), Hà Lan (1988), Đan Mạch (1992) và Tây Ban Nha (2008).
Từ khi EURO có 16 đội (vào năm 1996), đã 4 kỳ EURO diễn ra, chưa có đội tuyển nào vô địch khi nằm ở bảng B. Có một lần đội ở bảng A vô địch (Hy Lạp 2004), một đội ở bảng C (Đức 1996), hai đội bảng D (Pháp 2000 và Tây Ban Nha 2008).
Đăng nhận xét